Skip to content
Facebook Twitter Youtube Google-plus
Trang Chủ
Luật sư
IURA và Luật sư
Cộng đồng Luật sư IURA
Trở thành Luật sư IURA
Chương trình hợp tác IURA
Bài viết
IURA
Luật sư
Diễn đàn
Liên hệ
Bài viết Diễn đàn

ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”

  • Lý Quản
  • Trích dẫn theo
  • 5:30 chiều
  • 30/07/2018

Đặng Văn Hiến chỉ thuần là một anh nông dân. Vào tháng 3 năm 2016 anh nông dân đó đã giết ba con người. Và sau 2 phiên xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm, tòa đều tuyên y án tử hình cho anh.

Hỏi Đặng Văn Hiến có phạm tội không.  Chắc chắn là có. Vì tàng trữ vũ khí trái phép là hành vi phạm tội; vì cố ý gây thương tích, tổn hại đến người khác là hành vi phạm tội; hơn thế nữa, giết (nhiều) người là hành vi phạm tội (nặng). Nên, Tòa án nhân danh công lý thì phải trừng phạt chủ thể những hành vi đó.

Ở phía dư luận – những người biết đến vụ án này, những người chứng kiến sự việc này, đều đang thể hiện sự đồng cảm với hành động dại dột, thiếu hiểu biết của một anh Hiến – nông dân. Nhưng anh Hiến – nông dân mà chúng ta đang bảo vệ, đã bằng 3 phát súng trong buổi sáng định mệnh đó trở thành anh Hiến – sát nhân. Vậy, giữa công lý và tình cảm, chúng ta nên làm sao để có sự cân bằng?

Hãy nhìn về biểu tượng của công lý, nữ thần Justitia với một tay cầm cân, một tay cầm kiếm và bị bịt mắt để hiểu về công lý sáng suốt. Đó chính là tính kiên định và nhất quán của công lý khi đưa ra phán quyết mà không bị tác động bởi các yếu tố khác (kể cả tình cảm). Đó là nền tảng của việc trước pháp luật, mọi công dân đều được bình đẳng.

Tuy nhiên, bằng góc nhìn của tôi phạm học –  ngành khoa học phục vụ đắc lực cho đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày nay, căn nguyên vấn đề về hành vi phạm tội của Đặng Văn Hiến sẽ được hiểu một cách thấu đáo hơn và từ đó có thể hình dung khung hình phạt nào là thích hợp nhất.

Hành vi giết người thường xảy ra theo 2 xu hướng chính. Một là chủ đích của người mang tư tưởng bạo lực, và bản thân người đó cảm thấy việc giết người có thể làm thỏa mãn động cơ bên trong của họ. Hai là xuất phát từ sự bất lực của người yếm thế, người bị dồn vào đường cùng trong tình huống buộc phải phản kháng và tự bảo vệ bản thân mình.

Vụ việc của Đặng Văn Hiến rơi vào trường hợp thứ hai bởi nguyên nhân từ câu chuyện chưa có hồi kết của những tranh chấp đất đai. Chính sách về đất mà Nhà nước ban hành không sai, nhưng chính cách thức triển khai chưa đúng, chưa minh bạch, công minh, đã khiến cho những Đặng Văn Hiến – vì muốn giữ lấy đất, giữ lấy công sức, mồ hôi, nước mắt của mình mà phút chốc vướng vào vòng lao lý.

Nguyên nhân phạm tội của Đặng Văn Hiến là do sự dồn nén, uất ức và bất lực của người yếu thế. Hành vi chống trả, dẫn đến giết người là việc làm không chủ ý, đã cho thấy sự bất cập về điều kiện và khả năng của họ để thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống.

Và khi chúng ta nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tội phạm học, điều cần thiết chính là phải hiểu rõ được xu hướng hành vi, từ đó phát hiện các lỗ hổng trong quá trình vận hành xã hội. Những lỗ hổng này cần được xử lý bởi một cơ chế pháp lý tích cực để ngăn chặn những hành vi tương tự không có cơ hội lặp lại.

Những hình phạt, thực chất chỉ là phần ngọn của cả một phần gốc sâu xa, đó là vấn đề xây dựng lại trật tự xã hội và tạo điều kiện để pháp luật được thực thi một cách hiệu quả nhất.

Do đó, trường hợp như của Đặng Văn Hiến hay nói chung của những người “thấp cổ bé họng”, nếu các công cụ phù hợp được sử dụng để bảo vệ, tạo được đối trọng trong những tình huống khó khăn, hay sự bình đẳng trong những thân phận pháp lý được thực hiện thì có khi sẽ tránh được những hành xử tiêu cực trong những hoàn cảnh tương tự.

Muốn như thế, vai trò cầm trịch một cơ chế pháp lý công bằng của Nhà nước là điều vô cùng cần thiết. Một khi Nhà nước đã tạo ra luật chơi chung, thì cũng nên trao những quyền nhất định cho người dân. Trong đó có quyền nêu quan điểm của cá nhân họ đối với những đề xuất của chính quyền, và quan trọng hơn, là tiếng nói ấy phải được các cấp có thẩm quyền ghi nhận và tiếp thu một cách tích cực nhất.

Ngoài ra, đội ngũ luật sư cũng cần thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc phổ biến, định hướng và hỗ trợ pháp lý cho người dân. Chính sự cộng thông giữa các bộ phận trong cơ chế quyền lực sẽ đem lại chỗ dựa vững vàng cho người yếm thế trong việc lựa chọn một phương thức phù hợp cho mình. Điều đó góp phần ngăn chặn những hệ quả nguy hiểm như việc Đặng Văn Hiến đã gây ra.

Những hệ lụy phát sinh từ những bước đường cùng, từ sự bất chấp và liều lĩnh thường mang đến hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Chúng ta nên có nhận thức đúng đắn về pháp luật là sự công bằng, là sự phù hợp với từng đối tượng chứ không phải là sự quân bình cho tất cả. Để từ đó hiểu được việc giúp những người ở thế yếu có được vị trí cân bằng là trách nhiệm của rất nhiều người chứ không đơn thuần chỉ là việc nhìn vào bản luận tội mà quyết định chấm dứt sự tồn tại của họ hay không.

Nên, với những gì Đặng Văn Hiến gây ra – hãy để “nạn nhân” của một xã hội chưa đạt đến sự công bằng cần thiết, được sống. Nhưng đồng thời, “hung thủ” của ba mạng người cũng phải trả giá bằng một án phạt thích đáng.

Đinh Trần Thúy Vi

Bình Luận
Tin Cùng Chuyên Mục
Chuyện kể ngày ông Táo về Trời
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
LUẬT SƯ PHẠM HỮU LẬP: CÂU CHUYỆN VỀ MỘT HOA TIÊU DŨNG CẢM
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
Tin Nổi Bật IURA
LUẬT SƯ HỢP TÁC VỚI IURA – HỌ LÀ AI?
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
LUẬT SƯ NỮ QUYỀN HÀNG ĐẦU CỦA MỸ, GLORIA ALLRED: ‘NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÃ LÀM VIỆC SAI TRÁI THÌ LUÔN SỐNG TRONG SỢ HÃI’
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
NHỮNG CÁNH CHIM THIÊN DI (*) VÀ NỖI LÒNG NGƯỜI Ở LẠI
ĐẶNG VĂN HIẾN VÀ BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG ĐỂ THÀNH MỘT “TỬ TÙ”
Điều khoản sử dụng
Chính sách bảo mật
Sở hữu trí tuệ
IURA - Công ty TNHH Giải pháp Kết nối Luật IURA - MST: 0314810005
Copyright © 2017