Vừa qua, tại nhà văn hóa Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc triển lãm“Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” với 137 mẫu cơ thật, gồm 11 mẫu toàn thân và 126 mẫu các bộ phận riêng lẻ, được xử lý bằng phương pháp plastination (plastic hóa bằng công nghệ cao). Triển lãm mở cửa từ ngày 21/6 với giá vé là 200.000 đồng/người. Nhưng từ khi những lượt khách đầu tiên vào tham quan đã xuất hiện những luồng ý kiến trái ngược nhau. Theo Dantri,triển lãm được dự tính sẽ kéo dài đến 21/12 nhưng vào ngày 4/7, Bộ VH, TT & DL đã có công văn yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM giải trình về việc cấp phép triển lãm này; và lý do triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” chỉ diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh là do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Hà Nội đã từ chối cấp phép vì theo Cục trưởng, các mẫu vật được trưng bày là ghê rợn và phản cảm. Tuy nhiên, đến ngày 7/7 thì cuộc triển lãm đã chính thức phải dừng hoạt động do các cơ quan có thẩm quyền phát hiện có sự thiếu trung thực trong hồ sơ xin cấp phép.
Từ đó trên thế giới, thể loại triển lãm này đã không còn quá mới mẻ hay xa lạ với công chúng. Những triển lãm tương tự như Vital Body World đã từng đón 45 triệu lượt khách ở nhiều địa điểm trên thế giới và hiện nay đang được tổ chức ở Auckland, New Zealand từ ngày 23/4 đến 13/7 và sắp tới tại Melbourne, Úc từ ngày 13/8 đến 18/11; hay tại Đức, “Câu Chuyện của Trái Tim” đang diễn ra ở Osnabrückhalle từ ngày 19/5 đến 2/9 và “Giải phẫu hạnh phúc” ở Heidelberg sẽ bắt đầu từ ngày 28/9; và có những cuộc triển lãm như “Giải mã” tại San José, Mỹ được mở cửa kéo dài từ đầu năm đến tận Giáng Sinh.
Tuy được tổ chức ở những nơi được coi là mang tư tưởng tiến bộ, không bảo thủ như những quốc gia châu Á, nhưng tranh cãi vẫn nổ ra và nghi ngại vẫn xuất hiện từ phía những người thưởng lãm.
Theo ban tổ chức Vital Body World, những triển lãm như vậy là phương tiện để truyền thông điệp về sức khỏe, sự no đủ và bệnh tật, với mong muốn định hướng người xem thực hành những phương cách sống lành mạnh nhằm giúp họ tránh xa các loại bệnh khác nhau cũng như không phải phụ thuộc vào các trung tâm y tế. Bên cạnh đó, việc triển lãm này cũng mong muốn đem đến lời cảnh báo cho mọi người về tính trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của chính họ.
Ở Úc, Chủ tịch Viện Khoa học Giải phẫu Úc, ông Gavin Burland đã nói rằng, các cuộc triển lãm sẽ mang lại cho khách tham quan một cái nhìn sâu sắc về cách thức hoạt động của cơ thể con người mà trước đây chỉ dành riêng cho lĩnh vực y tế.
Nhưng luôn có những mối lo ngại nghiêm trọng cho rằng, các thi thể được trưng bày không được hiến tặng một cách tự nguyện và nguồn gốc của những thi thể này được cho là đến từ Trung Quốc – theo phát ngôn của bác sĩ chống ung thư cưỡng bức (DAFOH) Sophia Bryskine (Úc).
Chủ tịch triển lãm và giám đốc điều hành của Imagine Exhibitions – công ty tổ chức chương trình – Tom Zaller tuyên bố việc cáo buộc triển lãm sử dụng xác chết của con người không nguồn gốc là “vô căn cứ” và “xúc phạm”. Nhưng bản thân ông lại không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về nguồn gốc thật sự của những mẫu vật đang được trưng bày.
Theo The Guardian, Vaughan Macefield, một giáo sư sinh lý học tại Đại học Western Sydney đã phát biểu rằng “thật kinh hoàng khi những mẫu vật từ Trung Quốc được trưng bày cho công chúng xem mà không ai thực sự biết nguồn gốc của họ”.
Năm 2013, khi một cuộc triển lãm các bộ phận cơ thể người được tổ chức ở Bulgaria, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Bulgaria – Bozhidar Dimitrov – đã phản ứng mạnh mẽ: “Triển lãm này rất có khả năng chứa đựng các yếu tố tội ác chống lại loài người”, và sau đó ông đã kêu gọi sự can thiệp của các công tố viên.
Năm 2015, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trên phố để phản đối triển lãm ‘Bodies Revealed’ ở Niagara khiến triển lãm này sớm bị đóng cửa. Họ đặt ra câu hỏi “Cơ thể đến từ đâu?”. Dù sau đó, Premier – đơn vị tổ chức triển lãm – đã lên tiếng giải thích tất cả đều là thi thể của những người Trung Quốc chết vì nguyên nhân tự nhiên nhưng họ lại gặp phải sự phản đối dữ dội hơn vì những người biểu tình cho rằng, không một cơ quan nào có thể chính thức xác minh đó là thông tin trung thực.
Trên thực tế, những cuộc triển lãm cho đến hôm nay vẫn được tổ chức thường xuyên và luôn là đề tài cho những cuộc chiến giữa sự chỉ trích và ca ngợi. Nhiều lãnh đạo tôn giáo đã nói rằng, von Hagens (người phát minh ra phương pháp plastic hóa – chú thích của người viết) là một con quái vật không tôn trọng đạo đức, không tôn trọng những người đã khuất và linh hồn họ cũng như không tôn trọng cả những người phải tiếp nhận hình ảnh trong các cuộc triển lãm. Nhưng ở chiều ngược lại, muôn vàn lời khen ngợi lại được dành cho von Hagens, qua thành tích đưa khoa học về giải phẫu, sinh lý học và cơ thể con người trở thành một loại văn hóa chính thống. Bên cạnh đó, những người ủng hộ còn cho rằng triển lãm dạng này chính là cách mạng hóa trong việc giảng dạy giải phẫu, giúp sinh viên ngành y tiếp thu các kiến thức chuyên môn nhanh hơn nhiều so với việc học từ sách giáo khoa hoặc từ xác chết trong phòng thí nghiệm ở các trường đại học.
Nhưng suy cho cùng, những triển lãm về xác người plastic hóa vẫn rất khó để được số đông chấp nhận. Từ cơ thể động vật đến cơ thể người, là những sinh thể từng sống, từng hít thở, nên dù cơ thể ấy đã bất động, vẫn không phải là thứ để cắt mở hay mổ xẻ theo những cách như vậy. Đối với các ý kiến bao biện cho việc tổ chức triển lãm vì mục tiêu giáo dục hay từ thiện thì cũng đều bất ổn. Vì họ đã bỏ qua yếu tố thương mại và lợi nhuận cũng như không biết rõ ràng về tính xác thực của nguồn tiền thu được sẽ đi về đâu. Cho nên, mặc dù các buổi triển lãm có vẻ thú vị và gây tò mò, nhưng lại là sự ám ảnh. Đôi khi việc kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học lại khiến mọi thứ trở nên phản khoa học và phi nghệ thuật. Quả thật, cơ thể con người thực sự hấp dẫn và có vai trò lớn trong sáng tạo nghệ thuật và việc cơ thể được hiến tặng cho khoa học là điều rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, những cuộc triển lãm như thế chỉ đem đến những cơn ác mộng, gắn liền với sự trái tự nhiên. Đây cũng có thể bị coi là sự thoái hóa ở một mức độ nào đó về đạo đức, và do đó càng đẩy văn hóa xã hội mắc kẹt thêm trong một thời đại đen tối.
“Tôi đã bật khóc, và nhanh chóng rời đi, không phải vì nó kinh tởm hay tôi không thể hiểu được. Mà bởi vì tôi thực sự thương cảm cho những con người này”. Một người từng tham dự triển lãm đã phát biểu như vậy trên trang cá nhân của mình.
Đinh Trần Thúy Vi (Các nguồn tư liệu tham khảo: Dantri, Bodyworlds, premierxhibitions, Australia news, the epoch times, prisonlegalnews)